Cây sầu riêng con khi mới trồng được 1-3 năm tuổi, nếu không được chăm sóc đúng cách, không có nguồn dinh dưỡng thích hợp, cây sinh sẽ trưởng chậm, không bung chồi nảy đọt, sức đề kháng yếu, dễ bị chết và sâu hại tấn công. Vì vậy cần có phương pháp trồng và chăm sóc cây sầu riêng giai đoạn kiến thiết hợp lý để cây phát triển khỏe mạnh.
Yêu cầu sinh thái của cây sầu riêng
- Độ cao
Cây sầu riêng thường không yêu cầu quá khắt khe về độ cao, tuy nhiên cây sẽ sinh trưởng tốt nhất ở độ cao từ 30 – 300m so với mặt nước biển, cây sẽ phát triển bình thường ở độ cao dưới 800m còn trên 800 m thì cây vẫn có thể phát triển nhưng cho trái chậm hơn so với các vùng đồng bằng từ 1- 2 tháng.
- Lượng mưa
Cây sầu riêng yêu cầu cần có lượng mưa khá lớn, từ 1600 – 4000 mm/năm và phân bố đều trong năm. Cây không có khả năng chịu được khô hạn quá 3 tháng. Khi trái già thì không nên có mưa nhiều, nhất là vào thời kỳ quả chín nếu xuất hiện mưa nhiều sẽ khiến cơm bị nhão. Độ ẩm không khí tối ưu đạt 75- 80%.
- Nhiệt độ
Nhiệt độ tối ưu giúp cây sầu riêng sinh trưởng và cho năng suất cao là từ 24 đến 30 độ C. Nhiệt độ quá thấp sẽ khiến cây sầu riêng bị rụng hoa và ngừng sinh trưởng.
- Đất
Cây sầu riêng phù hợp trồng ở những vùng đất màu mỡ, khả năng thoát nước tốt. Bộ rễ chịu phèn và chịu mặn kém nên chỉ thích hợp trồng ở vùng đất có pH từ 5- 6. Đất có nhiều chất hữu cơ sẽ giúp cây đạt năng suất cao hơn. Trong quá trình trồng sầu riêng cần chú ý cải tạo đất và tạo hệ thống cấp, thoát nuốc tốt để giúp phòng ngừa nấm phytophthora spp gây bệnh xì mủ thân, cháy lá, rụng lá dẫn tới cây sầu riêng bị chết.
Cây giống
Cây giống: Nên trồng sầu riêng bằng cây ghép (ghép mắt hoặc ghép cành), không nên trồng bằng hạt.
- Gốc ghép phải thẳng, đường kính gốc ghép từ 1,0 -1,5cm.
- Bộ rễ phát triển tốt.
- Thân thẳng và vững chắc, đã có từ 3 cành cấp 1 trở lên, các lá ngọn đã trưởng thành, xanh tốt và có được hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.
- Chiều cao cây phải đạt từ 80cm trở lên (tính từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi).
- Cây phải đúng giống như tên gọi ghi trên nhãn hiệu, cây phải đảm bảo sinh trưởng khỏe, sạch bệnh, không mang các loại nấm bệnh như bệnh thán , bệnh do phytophthora palmivora,…
Mật độ trồng
Sầu riêng thuộc loại cây ăn quả nhiệt đới thân gỗ lớn, ưa sáng nên khoảng cách trồng phải hợp lý, đảm bảo khoảng cách cho sự sinh trưởng, phát triển bình thường giữa các cây, vườn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại nhưng vẫn phải đảm bảo được sản lượng tính trên một đơn vị diện tích đất trồng. Theo khuyến cáo, khoảng cách trồng sầu riêng độc canh nên là 6 x 9m, nếu trồng xen canh với cà phê nên trồng với khoảng cách 9 x 9 m hoặc 9 x 12 m.
Chuẩn bị hố trồng
Bà con tiến hành đào hố với kích thước phải tùy vào nền thổ nhưỡng của từng vùng. Nếu đất trồng tốt nên đào hố có kích thước 60 x 60 x 60cm; trường hợp đất xấu, bạc màu nên đào hố với kích thước lớn hơn, thường là 70 x 70 x 70cm, rải mỗi hố trồng từ 1- 2kg vôi, phơi ải khoảng 20 ngày.
Bón lót: 15 – 20kg phân chuồng hoai mục; 0,5kg super Lân (hoặc 1kg lân Văn Điển); 10-20g Diazinon (Basudin 10G), Carbofuran (furadan 3G),…giúp trừ mối, dế, kiến và sâu đất. Bà con nên đảo trộn hỗn hợp đất và phân đều, sau đó lấp hố trước khi trồng khoảng 10-15 ngày.
Kỹ thuật trồng
Chúng ta có thể trồng sầu riêng bằng phương pháp đắp ụ để hạn chế ngập úng cục bộ và giúp dễ dàng áp dụng các biện pháp kỹ thuật kích thích ra hoa đậu quả sớm hoặc chúng ta áp dụng cách đào hố thông thường để trồng cây sầu riêng.
Trước khi đặt bầu sầu riêng bà con sử dụng cuốc đào 1 lỗ chính giữa hố trồng đã chuẩn bị từ trước, sâu 2/3 bầu, rồi nhẹ nhàng cắt bịch tránh vỡ bầu rồi đặt xuống, tưới thêm 1 lít thuốc đặc trị mối đã được pha tỉ lệ như trên bao bì vào bầu sầu riêng, nên quay mắt ghép về hướng tây bắc, lấp đất lại và vun đất chung quanh gốc sầu riêng đảm bảo cao hơn mặt bầu 5cm, như thế sẽ có phần gốc đắp mô như mu rùa (đối với cách trồng đắp ụ).
Với cách trồng bình thường bà con cũng tiến hành tương tự nhưng lấp đất ngang mặt bầu cây con (ở nơi đất cao, sườn dốc, nên trồng âm sâu hơn mặt đất). Sau đó sử dụng 1 thanh tre to bằng ngón tay cái dài 1m để cắm xuống sát gốc sầu riêng, dùng dây nilong cột cố định gốc và phần đọt vài cọc tre đó. Cọc tre này giúp hạn chế gãy đổ đọt non sầu riêng và giúp đọt luôn lên thẳng. Cuối cùng dùng lưới che khoảng 30% ánh sáng cho sầu riêng non trong vòng 6 tháng.