Lịch sử hình thành và phát triển của Trái đất toát lên những quy luật phát triển tự nhiên trong vũ trụ. Sự tồn tại của Trái đất hiện nay bao gồm năm quyển, đó là Khí quyển, Sinh quyển, Thổ quyển, Thuỷ quyển và Thạch quyển. Sự kết hợp hài hòa giữa năm quyển đó tạo nên trên bề mặt Trái đất của chúng ta có hiện trạng như ngày nay.
Khi Trái đất mới hình thành thì lớp vỏ của nó là một khối thạch quyển (đá). Sự phá huỷ đá do tác động của ngoại cảnh đã tạo ra những mẫu chất. Những mẫu chất này chứa một số các nguyên tố hóa học (không có N) đã giúp cho những sinh vật nhỏ bé, đơn giản đầu tiên – vi sinh vật – xuất hiện và sống trên đó.
Sự phát triển của những sinh vật đơn giản, nhỏ bé đó đi theo vòng xoáy trôn ốc, càng về sau càng lớn và càng mạnh. Sản phẩm của sự phát triển của sinh vật sống và xác chết của chúng đã kết hợp với các mẫu chất phá huỷ từ đá để tạo thành đất. Từ đất sinh vật đã ngày càng phát triển, loài người cũng xuất hiện và phát triển đến như ngày nay.
Sự kết hợp hài hoà, sự tác động qua lại, hay chính là mối quan hệ cùng có lợi giữa các sinh vật sống trên Trái đất đã tạo thành những hệ sinh học bền vững theo quy luật tự nhiên. Vì vậy khi chúng ta tác động vào một khía cạnh nào đó của mối quan hệ ấy, mà tác động ấy mang tính chủ quan, thì sẽ phá vỡ quy luật tự nhiên và hậu quả tất yếu của nó là sẽ biến đổi theo hướng bất thuận.
Có một số khái niệm liên quan đến sự hình thành và phát triển của nông nghiệp hữu cơ:
– Hệ thống:
Có khá nhiều tài liệu khác nhau nói về khái niệm hệ thống, nhƣng tựu chung lại thì Hệ thống là cái gì đó có nhiều bộ phận liên hệ với nhau, là một tập hợp những quan hệ tồn tại dai dẳng với thời gian.
Thuật ngữ hệ thống được sử dụng để nói đến bất cứ một tập hợp yếu tố nào có liên quan với nhau. Tuy nhiên, bản thân hệ thống không phải là con số cộng các bộ phận của nó, mà là các bộ phận cùng hoạt động, những bộ phận có thể cùng hoạt động theo nhiều cách khác nhau để sản sinh ra những kết quả nhất định. Những kết quả này là sản phẩm của những liên hệ giữa những bộ phận của hệ thống mà không phải là kết quả trực tiếp của một bộ phận nào đó trong hệ thống.
Thực tại có rất nhiều loại hệ thống. Có những hệ thống tự nhiên và hệ thống nhân tạo, có những hệ thống kín và hệ thống mở, đặc biệt có rất nhiều hệ thống phức tạp, những hệ thống phức hợp có xu hướng được tổ chức có thứ bậc trên dưới, hoặc theo quan hệ ngang.v.v..
– Hệ thống sinh học:
Hệ thống sinh học là những hệ thống được cấu trúc bởi sinh vật sống vốn có trong tự nhiên (gọi là hệ thống sống). Có những hệ thống phức tạp và cũng có những hệ thống đơn giản. Chúng ta cần phân biệt trong hệ thống sinh học có hai loại. Loại thứ nhất là các hệ thống trong cơ thể của một sinh vật. Loại thứ hai là các hệ thống ngoài cơ thể, bao gồm sự tập hợp các sinh vật sống trong một không gian nhất định.
Những hệ thống cơ giới giản đơn có tính quy luật, thì thông thường nguyên nhân và hiệu quả của nó ở trong quan hệ đường thẳng. Chúng ta có thể làm thay đổi bộ phận A để tạo ra sự thay đổi nào đó ở bộ phận B và chúng ta có thể biết trước hiệu quả tới bộ phận C và bộ phận D sẽ như thế nào. Tuy nhiên loại tư duy này không thể đem ứng dụng cho những hệ thống sống phức tạp. Nếu chúng ta làm thay đổi bộ phận A nhằm thực hiện một sự thay đổi nào đó ở bộ phận B thì những bộ phận khác cũng sẽ thay đổi theo những chiều hướng không thể dự đoán được. Những sự thay đổi này đến lượt nó lại có thể gây ra một sự thay đổi nào đó ở những bộ phận A và B, tiếp tục làm thay đổi theo những chiều hướng không thể lường trước được.
Trong những hệ thống sinh học phức hợp, mọi sự thay đổi không chỉ có một hiệu quả mà có nhiều hiệu quả và mỗi hiệu quả lại sinh ra một sự điều chỉnh trong hệ thống. Sự thay đổi tiếp tục chuyển động xuyên suốt hệ thống. Mọi sự vật đều có liên hệ với mọi sự vật, những cách liên hệ thường là khó thấy hoặc khó phát hiện kịp thời. Trong loại hệ thống này quan niệm nhân quả thường vận động theo vòng tròn, chứ không theo đường thẳng.
– Phát triển:
Là chỉ sự tăng lên về số lượng, khối lượng, chất lượng theo tiến trình thời gian. Nói cách khác, phát triển là khái niệm dùng để khái quát những vận động theo chiều hướng tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.
Phát triển là một quá trình tăng trưởng bao gồm nhiều yếu tố cấu thành khác nhau như kinh tế, chính trị, xã hội, kỹ thuật, văn hóa v.v… Mục tiêu của phát triển là nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của loài người; làm cho con người ít phụ thuộc vào thiên nhiên; tạo lập nên cuộc sống công bằng và bình đẳng giữa các thành viên. Sự chuyển đổi của xã hội loài người từ xã hội nguyên thuỷ đến xã hội nô lệ rồi xã hội phong kiến đến xã hội tư bản v.v… là quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài người ta thường đặt mục tiêu kinh tế quá cao, xem sự tăng trưởng về kinh tế là độ đo duy nhất của sự phát triển.
Đánh giá sự phát triển thường được dựa vào một số tiêu chí, nhưng tuỳ thuộc vào loại hình phát triển sẽ có những hệ thống tiêu chí khác nhau. Ví dụ: Đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia người ta dựa vào Tổng sản phẩm trong nước GDP (Gross Domestic Product), Tổng sản phẩm quốc gia GNP (Gross National Product), Tổng sản phẩm bình quân đầu người GDP/Cap., Tăng trưởng của GDP (GDP/growth) và Cơ cấu GDP.
Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, sự gia tăng nhanh dân số thế giới trong những thập niên vừa qua và các tác động của chúng ta đến môi trường Trái đất đã dẫn loài người đến việc xem xét và đánh giá các mối quan hệ: Con người – Trái đất, phát triển kinh tế xã hội – bảo vệ môi trường.
Ngày nay, con người đã biết nguồn tài nguyên thiên nhiên của Trái đất không phải là vô tận, không thể khai thác hoặc thống trị theo ý mình; khả năng đồng hóa chất thải của môi trường Trái đất là có giới hạn nên con người cần thiết phải sống hài hòa với tự nhiên; sự cần thiết phải tính toán đến lợi ích chung của cộng đồng, của các thế hệ tương lai và các chi phí môi trường cho sự phát triển vv…
Tất cả các yêu cầu trên dẫn đến sự ra đời một quan niệm sống của con ngừời, đó là:
Phát triển bền vững.
– Phát triển bền vững:
Khái niệm phát triển bền vững, được Uỷ ban Môi trường và Phát triển thế giới, nêu ra năm 1987 như sau: “Những thế hệ hiện tại cần đáp ứng nhu cầu của mình, sao cho không phương hại đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của họ”. Khái niệm phát triển bền vững được các nhà khoa học bổ sung và hoàn chỉnh trong Hội nghị RIO – 92, RIO- 92+5, văn kiện và công bố của các tổ chức quốc tế. Phát triển bền vững được hình thành trong sự hòa nhập, xen cài và thỏa hiệp nhau của ba hệ thống tương tác lớn của thế giới: hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ xã hội.
Một cách dễ hiểu hơn, Phát triển bền vững là sự phát triển để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của thế hệ hiện tại mà không tổn thương đến khả năng thoả mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Phát triển bền vững được hình thành trong sự hòa nhập, xen cài và thỏa hiệp nhau của ba hệ thống tương tác lớn đó là: Hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ xã hội.
Phát triển bền vững trong sinh học là sự phát triển tăng lên ổn định về số lượng, khối lượng, chất lượng của các cá thể sinh vật cùng sống trong hệ và phát triển theo quy luật tự nhiên.
Trong hệ sinh học, sự phối kết hợp hài hòa giữa các cá thể sinh vật theo chiều hướng thúc đẩy cùng phát triển là cơ sở cho phát triển bền vững. Thực ra, nếu không có sự tác động của bàn tay con người thì hệ sinh học sẽ phát triển dưới sự điều tiết của các quy luật tự nhiên và sẽ phát triển bền vững. Chính sự can thiệp thô bạo của con người đã làm phá vỡ những mối quan hệ hữu cơ trong hệ sinh học, làm thay đổi xu hướng dẫn tới sự phát triển không còn mang tính khách quan và đó chính là nguyên nhân phát triển kém bền vững.
– Đấu tranh sinh học:
Đấu tranh sinh học là sự cạnh tranh môi trường sống của các sinh vật sống trong một không gian nhất định.
Đấu tranh sinh học là một tiến trình, một quy luật của tự nhiên. Các cá thể sinh vật sống trong cùng một giới hạn không gian vừa sống dựa vào nhau và cũng cạnh tranh nhau về thức ăn, môi trường sống. Tất cả những mối quan hệ ấy tạo ra những quần thể sinh vật sống, đó chính là quần thể sinh thái trong tự nhiên.
Định nghĩa nông nghiệp hữu cơ
Cho đến nay, đã có khá nhiều tài liệu đưa ra khái niệm về nông nghiệp hữu cơ. Về cơ bản, các tài liệu đều thống nhất rằng, khái niệm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái hay nông nghiệp sinh học là một. Ta có thể hiểu nông nghiệp hữu cơ như sau:
Nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở sử dụng các chu trình sinh học có trong tự nhiên. Nói một cách khác, phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất mà trong đó các quá trình sản xuất đều theo quy luật sinh học tự nhiên vốn có.
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ đơn thuần là “nền nông nghiệp không có chất hóa học”, mà nó còn hội tụ đầy đủ các khía cạnh sinh thái, xã hội và kinh tế bền vững. Vì vậy nó là một dạng bền vững của nông nghiệp. Điều đó có nghĩa rằng, nông nghiệp hữu cơ là phương thức duy trì sự cân bằng sinh thái trong hệ thống canh tác và sử dụng nguồn tài nguyên vốn có theo cách bền vững với một sự chú ý đặc biệt về khía cạnh kinh tế – xã hội của sản xuất. Tái tạo chu trình dinh dưỡng, sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên sẵn có, đa dạng hóa là khía cạnh sinh thái quan trọng của nông nghiệp hữu cơ. Các mặt của kinh tế – xã hội như an toàn lương thực, thương mại công bằng, tăng cường nguồn lực v.v… cũng là khía cạnh rất quan trọng của nông nghiệp hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ có những đặc điểm riêng biệt sau (Haccius, 1996; Alsing, 1995):
Hoạt động sản xuất nông nghiệp theo đường hướng của hệ thống sinh thái. Con người, đất đai, cây trồng và vật nuôi là các mặt trong một thể thống nhất, nó như là một thể hữu cơ.
Ý tưởng cơ bản của nông nghiệp hữu cơ là hoạt động kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên. Vì nếu các hoạt động ấy nằm chệch hướng vận động của các quy luật tự nhiên thì sẽ tạo ra những hệ quả xấu và tất yếu phát triển sẽ không theo chiều bền vững.
Sản xuất sẽ phát triển tốt trên cơ sở sử dụng và tăng cường độ phì nhiêu tự nhiên của đất cũng như làm tăng sức đề kháng của cây trồng và vật nuôi đối với sâu bệnh.
Chăn nuôi là một hợp phần thích ứng quan trọng của nông nghiệp hữu cơ.
Hệ thống canh tác không bị ảnh hưởng của việc sử dụng các nguyên liệu lạ ngoài nông trại như phân vô cơ dễ tan và thuốc hóa học bảo vệ thực vật.
Trích dẫn: Giáo trình Nông Nghiệp Hữu cơ (GS. Nguyễn Thế Đặng chủ biên). ISBN 978-604-60-0071-6. Tài liệu lưu hành trên internet.