Luân canh
Luân canh là hệ thống các loại cây trồng nối tiếp nhau liên tục trên một diện tích nhất định. Hay nói một cách khác, luân canh là một hệ thống canh tác trồng luân phiên các loài cây trồng khác nhau theo thứ tự vòng tròn nhất định trên cùng một mảnh đất nhằm sử dụng hợp lý nguồn nước, các chất dinh dưỡng có trong đất và nguồn phân bón qua vào đất để tạo ra năng suất cây trồng cao nhất có thể đạt được.
Trồng độc canh một loại cây trồng trên 1 khu đất trong nhiều năm thường tạo điều kiện sinh thái thuận lợi cho dịch hại tồn tại, tích lũy và phát triển. Đặc biệt những loài dịch hại có tính chuyên hóa cao, chỉ gây hại một loài cây trồng thì phát sinh phát triển rất thuận lợi trong điều kiện độc canh vì nguồn thức ăn của nó luôn luôn dồi dào.
Vì vậy, để khắc phục những hậu quả của độc canh, trong canh tác nông nghiệp hữu cơ cần áp dụng hệ thống canh tác luân canh.
Người ta đã tổng kết được rằng: Độ phì nhiêu và các hoạt động sinh học tích cực của đất sẽ được duy trì và tăng cường thông qua việc trồng cây họ Đậu, cây phân xanh và các cây có tác dụng cải tạo đất khác trong hệ thống luân canh.
Nhìn tổng thể, luân canh sẽ thực hiện đƣợc vấn đề quản lý có hiệu quả diện tích canh tác, tối ƣu trong việc làm đất, cung cấp thêm phân bón cho đất và bảo vệ thực vật.
Cụ thể hóa mục tiêu và chức năng của luân canh như sau:
Chức năng kinh tế:
+ Lựa chọn và xắp xếp các loại cây trồng có năng suất, chất lượng và khả năng đóng góp cho tổng sản lượng của cả hệ thống cao, đồng thời phải thuận lợi cho bố trí thời vụ cũng như tối ưu về sử dụng vốn và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, để đưa vào trong hệ thống luân canh.
+ Tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trƣờng
+ Cung cấp cho nông hộ phân bón, thức ăn gia súc và các sản phẩm khác.
Chức năng bảo vệ thực vật:
+ Tăng cường sức sống cho đất và cây trồng thông qua việc thay đổi luân phiên cây trồng và hiệu lực của cây trồng trước. Trong luân canh cho phép lựa chọn loại cây trồng và những giống cây trồng có khả năng đề kháng với sâu bệnh đồng thời có tác dụng bồi dưỡng độ phì đất.
+ Phát huy hoạt động của thiên địch thông qua bố trí cây trồng.
Chức năng bảo vệ nguồn tài nguyên:
+ Bảo vệ đất và phát huy được chức năng của đất thông qua chống xói mòn rửa trôi (do đất thường xuyên được che phủ, giữ ẩm…) và kết cấu đất được tăng cường.
+ Bảo vệ môi trường nước do giảm thiểu sự tồn dư các chất khi ta bón vào trong đất.
+ Làm đẹp cảnh quan môi trừờng do sử dụng nhiều nguồn gen cây trồng khác nhau và bản địa.
Thực ra, luân canh trong nông nghiệp, nhất là trong nông nghiệp hữu cơ không chỉ có tác dụng trong bồi dưỡng độ phì đất mà còn có nhiều tác động tích cực khác.
Luân canh rất cần thiết và là một hợp phần kỹ thuật quan trọng, nhất là trong nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, cũng có một số loại cây trồng hoặc chân đất không thể bố trí luân canh được, ví dụ như chè, cây ăn quả, lúa nước ở nước ta chẳng hạn. Vì vậy đối với các cây trồng này cần có những điều chỉnh hợp lý trong quy trình canh tác thì mới đảm bảo được mục tiêu của canh tác theo nông nghiệp hữu cơ.
Xen canh
Xen canh là hệ thống canh tác mà khi thực hiện người nông dân phải trồng đồng thời nhiều loài cây khác nhau trên cùng một khu đất.
Lựa chọn các cây trồng hợp lý để trồng xen với nhau trên đơn vị diện tích sẽ làm đa dạng hóa nhiều loài sinh vật và như vậy chuỗi thức ăn sẽ được đa dạng phức tạp hơn.
Chính sự đa dạng phức tạp về chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn này đã tạo cơ hội cho các sinh vật là thiên địch của sâu hại khống chế nên sẽ hạn chế đƣợc sự phát sinh gậy hại của chúng.
Xen canh cây trồng là biện pháp tốt nhất để đồng thời sử dụng tối ưu các điều kiện đất, nước, ánh sáng, chất dinh dưỡng trong đất, góp phần làm tăng tổng thu nhập cho người dân.
Ví dụ: Trồng ngô xen đậu đỗ, đậu đỗ có thể cải thiện dinh dưỡng mà đất bị hao hụt do cây ngô lấy đi. Trồng xen ổi với cam sành, ổi đã hạn chế đựợc mật độ rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh greening hại cam. Trồng xen cà chua với bắp cải, cà chua sẽ hạn chế được sâu tơ hại rau bắp cải. Trồng xen tỏi và hành với cà chua, tỏi và hành sẽ hạn chế được sâu bệnh hại cho cà chua.
Tạo mô hình sản xuất khép kín
VAC là một mô hình sản xuất có sự lồng ghép các loài cây trồng trong vườn với chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản của nông hộ.
Phân bón hữu cơ từ chăn nuôi lợn gà và trâu bò được sử dụng trong hầu hết các hệ thống kết hợp. Phân bón được sử dụng cho vườn và ao nhờ là nguồn dinh dưỡng cho cây trồng và nguồn thức ăn trực tiếp cho các loài cá.
Đây là hình thức chăn nuôi thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm đất và nước, giảm thiểu tác động đến hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Phát triển mô hình VAC là biện pháp rất hữu hiệu và bền vững để xử lý chất thải chăn nuôi trong nông nghiệp hữu cơ.
Một trong những biện pháp xử lý phân bón hữu hiệu là hầm bioga. Chất thải sau khi đưa vào bể chứa được phân hủy hết, giảm mùi hôi thối, ký sinh trùng hầu như bị tiêu diệt. Ngoài ra, bioga còn có thể tái tạo được nguồn năng lượng sạch cho thắp sáng và đun nấu.
Cơ cấu cây trồng trong vườn được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu), kinh tế xã hội (khả năng đầu tư, trình độ kỹ thuật, thị trường tiêu thụ…), đáp ứng được yêu cầu đa mục đích (lấy quả, tán che, mật hoa, cảnh quan…) và phù hợp với yêu cầu của người dân.
Mô hình VAC sẽ đem lại những lợi ích như:
Lợi nhuận cao: Thu nhập của nông hộ sẽ cao hơn do chủ động và tận dụng được những nguyên liệu từ phụ phẩm trong vườn và phân bón từ chuồng.
Tuần hoàn dinh dưỡng tốt hơn: Sử dụng nguồn chất thải sẵn có hiệu quả hơn thông qua nâng cao hiệu quả nguồn nguyên liệu tuần hoàn giữa các thành phần khác nhau của hệ thống VAC. Hạn chế sự ô nhiễm môi trường bởi các chất thải đã được thu hồi và sử dụng.
Đa dạng hóa sản phẩm: Việc đưa các loài cây và con vào mô hình kết hợp này sẽ tạo ra được sự đa dạng sản phẩm và giảm rủi ro trong sản xuất.
Ví dụ: Vườn bao gồm các loài cây như khoai lang, mía, ngô, đậu tương, lạc, (có thể phục vụ cho chăn nuôi);
Ao bao gồm các loài cá như chép, trắm, rô phi, …; Chuồng bao gồm lợn, gà, vịt, thỏ, trâu, bò.
Nguyên tắc chủ yếu của việc sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
- Sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dựa trên một số các nguyên tắc và ý tưởng. Tất cả các điều đó đều quan trọng như nhau và được liệt kê dưới đây không nhất thiết theo thứ tự ưu tiên:
- Sản xuất ra sản phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao với số lượng đầy đủ;
- Xem xét sự tác động tới xã hội và sinh thái của hệ thống sản xuất và chế biến thực phẩm;
- Khuyến khích và tăng cường các chu trình sinh học trong hệ thống canh tác liên quan đến các vi sinh vật, đất, thực vật, động vật, cây trồng và vật nuôi;
- Duy trì và tăng thêm độ phì lâu dài của đất;
- Duy trì tính đa dạng căn nguyên của hệ thống nông nghiệp và những gì xung quanh nó, bao gồm việc bảo vệ cây trồng, vật nuôi và môi trường sống tự nhiên
- Tương tác lẫn nhau theo một phương thức mang tính xây dựng và nâng cao cuộc sống với các hệ thống và chu kỳ tự nhiên;
- Thúc đẩy việc sử dụng đúng cách và chăm lo tới nguồn nước sạch và toàn bộ cuộc sống tại đó;
- Sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo lại càng nhiều càng tốt trong các hệ thống sản xuất tại địa phương;
- Sản xuất các sản phẩm hữu cơ có thể phân hủy hoàn toàn;
- Chế biến các sản phẩm hữu cơ sử dụng các nguồn có thể tái tạo được;
- Giảm tối thiểu tất cả các hình thức gây ô nhiễm;
- Tạo ra một sự cân đối hài hòa giữa sản phẩm thu hoạch và chăn nuôi gia súc;
- Giúp cho tất cả những người tham gia vào việc sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ có được một cuộc sống có chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của họ, cùng với môi trường làm việc an toàn;
- Tiến tới một dây truyền sản xuất, chế biến và phân phối đáp ứng về cả hai mặt: công bằng xã hội và có trách nhiệm với hệ sinh thái.
Nguồn: Nguyễn Thế Đặng (chủ biên). Giáo trình Nông nghiệp hữu cơ.